Doanh nghiệp sẽ trao đổi gì với Thủ tướng

Khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng dự kiến sẽ là một trong những đề tài chính mà giới doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đặt ra trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 28-4 tới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm, tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính vẫn đang là “khó khăn lớn nhất” của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hiện đang chiếm tới gần 97% tổng số doanh nghiệp toàn quốc.

Một khảo sát gần đây của Hiệp hội cho biết, chỉ có hơn 32% số doanh nghiệp trả lời là tiếp cận được vốn vay ngân hàng một cách thường xuyên, hơn 35% cho rằng là vay được nhưng rất khó khăn, và 33% còn lại khẳng định không thể vay được.

Doanh nghiệp sẽ trao đổi gì với Thủ tướng vào đầu tuần tới

Báo cáo của Hiệp hội gửi tới phiên đối thoại trích dẫn báo cáo tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong giai đoạn 2010-2013, tỷ trọng dư nợ của các DNVVN chiếm khoảng 21,4% toàn nền kinh tế, trong đó gần 70% là vay ngắn hạn. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 24,4% số DNVVN vay được vốn tín dụng.

Báo cáo của Hiệp hội cũng cho biết, từ năm 2012 đến tháng 9-2013, không có bất kỳ một DNVVN nào được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh để vay vốn ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của các DNVVN tại các ngân hàng thương mại đang trở nên “cạn kiệt”. Báo cáo phân tích, phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản, máy móc, nhà xưởng (chiếm tỷ trọng 2/3) đang bị giảm giá rất lớn (từ 20-50%).

Điều này dẫn đến việc các ngân hàng buộc khách hàng phải bổ sung tài sản đảm bảo để được duy trì hạn mức vay, hay vay mới. Hơn nữa, có thực tế là khách hàng thế chấp 1 đồng tài sản để vay 0,56 đồng tín dụng “đã hết sức khó khăn” nên việc tài sản đảm bảo giảm giá, và đã thế chấp hết làm cho họ ngày càng khó tiếp cận với vốn vay mới.

Theo ông Kiêm, những chỉ số trên cho thấy, việc tiếp cận vốn vay, bên cạnh hàng loạt vấn đề khác, đang đẩy nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vào tình thế rất khó khăn.

Báo cáo cũng ghi nhận rằng, đến nay mặt bằng cho vay lai suat thap của các ngân hàng thương mại cho các khách hàng ưu tiên chỉ còn 8%, thậm chí còn 6-7%, nghĩa là bằng hoặc thấp hơn lãi suất huy động của nhiều ngân hàng. Tính từ cuối 2011, lãi suát cho vay với DNVVN đã giảm 10-12%/năm, từ mức 18-21% xuống còn 7-9% hiện nay.

Trong khi đó, theo VCCI, các DNVVN vẫn đang rất khó khăn. Theo Tổng thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng, trong năm 2013, lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng không được cải thiện nhiều. Nguyên nhân chính được các tổ chức tín dụng đưa ra chủ yếu là do các doanh nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định, đặc biệt là tài sản thế chấp.

“Việc sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng đã đẩy cả doanh nghiệp và ngân hàng vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan,” bà nói.

Trong ba tháng đầu năm nay số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động của cả nước lên tới gần 17.000, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chỉ trong ba năm vừa qua, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động luôn tăng, với 53.922 năm 2011, 54.261 năm 2012, và  60.737 năm 2013.

Theo thesaigontimes.vn

0 nhận xét: