Tiệm cầm đồ thành trung tâm tín dụng ở Phú Thọ

Chỉ cần nguyên đơn nộp đơn khởi kiện “Đòi nợ”, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Lâm Thao thụ lý vụ án rồi có văn bản đề nghị Chi cục Thi hành án (THA) huyện Lâm Thao áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản khẩn cấp. Mặc dù, thời hạn trả nợ của phía bị đơn vẫn chưa đến... Chỉ cần nguyên đơn nộp đơn khởi kiện “Đòi nợ”, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lâm Thao thụ lý vụ án rồi có văn bản đề nghị Chi cục Thi hành án (THA) huyện Lâm Thao áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản khẩn cấp. Mặc dù, thời hạn trả nợ của phía bị đơn vẫn chưa đến.

Ngân hàng “trả nhầm” tài sản

Vài năm nay, cơ sở kinh doanh cam do Hiền Hợp do hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hợp và bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm chủ, có trụ sở tại thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) là nguyên đơn khá quen thuộc của TAND và Chi cục THA huyện Lâm Thao. Sau khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện “Đòi nợ” ra tòa, kết cục thường là bị đơn sẽ được áp dụng các biện pháp cưỡng chế tài sản gồm nhà, đất, trang thiết bị máy móc… Phía sau những vụ kiện và cưỡng chế đó, còn những uẩn khúc cần làm sáng tỏ.

Vụ việc gần nhất xảy ra với vợ chồng ông Phạm Thế Anh và bà Hồ Thị Vân Thùy (thị trấn Lâm Thao, huyện Phú Thọ).

Tiệm cầm đồ thành trung tâm tín dụng ở Phú Thọ
Trưởng phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng thừa nhận việc giao nhầm tài sản của bà Hồ Thị Vân Thùy cho bà Nguyễn Thị Thu Hiền.

Từ cuối 2011, ông Phạm Thế Anh bắt đầu vay nợ dịch vụ cầm đồ Hiền Hợp dưới hình thức tín chấp. Chỉ cần ký tên trên tờ giấy khế ước theo mẫu sẵn của hiệu cầm đồ, không cần thế chấp tài sản ông Thế Anh đã vay được tiền, với mức lãi suất thỏa thuận là 2.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Trong thời gian này, ông Phạm Thế Anh có vay thế chấp 700 triệu đồng tại chi nhánh một ngân hàng.

Bà Hồ Thị Vân Thùy cho biết: “Chị Nguyễn Thị Thu Hiền nói với vợ chồng tôi có thể vay được ở ngân hàng khác nhiều tiền hơn, trả cho chị một phần lãi suất còn nợ. Chị Hiền đã cho vợ chồng tôi vay thêm 740 triệu đồng để rút sổ đỏ ra, làm thủ tục vay tiền ở ngân hàng khác”.

Ngày 12.6.2013, bà Hồ Thị Vân Thùy và bà Nguyễn Thị Thu Hiền cùng đến Phòng giao dịch Supe, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Lâm Thao để ký hợp đồng tín dụng ba bên để vay 1,5 tỷ đồng, thời hạn trả nợ ngày 12.6.2014. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền thế chấp tài sản đủ điều kiện vay được 500 triệu đồng, bà Hồ Thị Vân Thùy thế chấp tài sản tổng giá trị 1,4 tỷ đồng để bảo lãnh cho khoản vay 1 tỷ đồng. Ngay sau khi vay được 1 tỷ đồng, bà Thùy đã trả bà Hiền 740 triệu đồng tiền rút sổ đỏ từ ngân hàng trước đó và khoản lãi 260 triệu đồng cho khoản vay còn nợ.

Thế nhưng, đến ngày 12.5.2014 bà Nguyễn Thị Thu Hiền đơn phương đến phòng giao dịch trả cả nợ gốc và lãi, đồng thời lấy luôn tất cả tài sản thế chấp trong hợp đồng giao dịch ba bên. Ông Nguyễn Văn Hoa – Trưởng phòng Giao dịch Supe, Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT huyện Lâm Thao thừa nhận: “Nhân viên của phòng giao dịch đã mắc sai sót nghiệp vụ. Đây là hợp đồng giao dịch ba bên, tài sản của ai phải được trả về cho người đấy. Chúng tôi đã có báo cáo chi nhánh và các cơ quan chức năng tìm cách thu hồi lại”. Ngay sau đó, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Lâm Thao đã có đơn gửi Công an huyện Lâm Thao đề nghị thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Hồ Thị Vân Thùy bị bà Nguyễn Thị Thu Hiền chiếm giữ bất hợp pháp.

Trong khi đó, có được sổ đỏ của người vay tiền trong tay, ngay ngày hôm sau (13.5.2014) bà Nguyễn Thị Thu Hiền có đơn khởi kiện “Đòi nợ” gửi TAND huyện Lâm Thao và quyển sổ đỏ bị ngân hàng “giao nhầm” được nộp vào tòa làm căn cứ khởi kiện.

Có đơn là phong tỏa

Trong vụ khởi kiện “Đòi nợ” lần này của hiệu cầm đồ Hiền Hợp có thể thấy được sự “sốt sắng” của TAND huyện Lâm Thao. Bên nguyên đơn nộp đơn, ngay trong ngày 13.5 TAND huyện Lâm Thao đã thụ lý vụ án dân sự. Theo nội dung khởi kiện, ông Nguyễn Hữu Hợp và bà Nguyễn Thị Thu Hiền đòi ông Phạm Thế Anh và bà Hồ Thị Vân Thùy phải trả tổng cộng 1,7 tỷ đồng thể hiện trên hai chứng từ có tiêu đề “Khế ước vay tiền (cầm đồ)”.

Một khế ước vay tiền 1 tỷ đồng được lập ngày 7.6.2013, thời hạn vay là một năm (đến ngày 7.6.2014 – PV). Một giấy khế ước vay tiền 700 triệu đồng được lập ngày 24.8.2013 không xác định thời hạn trả nợ. Có thể thấy, bị đơn trong vụ kiện này chưa quá thời hạn trả nợ nhưng tòa vẫn thụ lý xét xử. Chưa hết, sau đó phía nguyên đơn có đề nghị phong tỏa tài sản khẩn cấp, TAND huyện Lâm Thao cũng không chần chừ có văn bản đề nghị Chi cục THA huyện Lâm Thao áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Bà Hồ Thị Vân Thùy – bị đơn trong vụ kiện dân sự này cho biết: “Gia đình tôi vẫn đang kinh doanh bình thường, hạn trả chưa đến, chúng tôi vẫn cam kết trả nợ cho chị Hiền chứ không trốn đi đâu cả. Tổng tài sản của gia đình tôi lớn hơn nhiều so với số tiền vay nợ, nhưng lại bị cơ quan THA dán thông báo, niêm phong như thể chúng tôi bị phá sản đến nơi. Khách hàng họ cũng dị nghị, ảnh hưởng đến công việc làm ăn”.

Trả lời tại sao lại thụ lý xét xử vụ kiện khi thời hạn trả nợ chưa đến, ông Nguyễn Hà Giang – Phó Chánh TAND huyện Lâm Thao khẳng định thụ lý vụ kiện theo đúng quy trình và “chỉ xem xét cụ thể nội dung sự việc khi được đưa ra xét xử”. Còn đại diện Chi cục THA huyện Lâm Thao cho rằng thực hiện theo văn bản của TAND huyện gửi sang và hiện mới chỉ thông báo chứ chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn cụ thể nào cả.

Hiện phía bị đơn đã làm đơn đề nghị TAND huyện đình chỉ vụ án vì có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong việc thụ lý vụ án.

Theo danviet

0 nhận xét: