Tín dụng “đen”, từ lãi “khủng” đến… đổ vỡ dây chuyền

Chỉ cần có 1 triệu cho vay, mỗi tháng người cho vay có thể nhận được lãi “khủng” đến 300 ngàn đồng.

Rồi cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con, hấp lực của đồng tiền với niềm tin mù quáng khiến nhiều người tin tưởng rồi “sập bẫy”…

Hàng trăm, hàng ngàn vụ đổ bể theo kiểu “tín dụng đen” rải khắp từ Nam ra Bắc khiến dư luận rúng động. Đó là vụ Tạ Việt Quang lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt khoảng 300 tỷ đồng xảy ra tại Đan Phượng (Hà Nội); vụ Nguyễn Thị Dậu chiếm đoạt khoảng 200 tỷ đồng ở Hà Đông, vụ Nguyễn Thị Hoàng Hoa, TP. Hồ Chí Minh tuyên bố vỡ nợ rồi chiếm đoạt đến gần 500 tỷ đồng…


Đặc điểm chung của các vụ việc này đều là vay tiền của nhiều người với lãi suất cao; ban đầu, đối tượng vay trả lãi rất đúng hẹn sau đó tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn do mất khả năng thanh toán. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Gia Lai, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên…và nhiều tỉnh thành khác cũng xảy ra nhiều vụ việc tương tự với số tiền đặc biệt lớn.

Theo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, sự phối hợp giữa các Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong một số vụ án còn chưa kịp thời, thống nhất, nhất là quan điểm trong đánh giá chứng cứ, xử lý vụ việc (là hình sự hay dân sự, là lừa đảo hay lạm dụng”. Khi các đối tượng đã vỡ nợ, mất khả năng thanh toán nhưng vẫn vay của người sau trả cho người trước thì quan điểm của các ngành Tư pháp lại khác nhau.

Điển hình là hai vụ việc một ở Gia Lai, một ở Lào Cai, trong khi Công an ra quyết định khởi tố, lệnh tạm giam thì VKS lại không phê chuẩn vì cho rằng đã “hình sự hóa quan hệ dân sự”.
Theo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, sự phối hợp giữa các Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong một số vụ án còn chưa kịp thời, thống nhất, nhất là quan điểm trong đánh giá chứng cứ, xử lý vụ việc (là hình sự hay dân sự, là lừa đảo hay lạm dụng”.

Khi các đối tượng đã vỡ nợ, mất khả năng thanh toán nhưng vẫn vay của người sau trả cho người trước thì quan điểm của các ngành Tư pháp lại khác nhau. Điển hình là hai vụ việc một ở Gia Lai, một ở Lào Cai, trong khi Công an ra quyết định khởi tố, lệnh tạm giam thì VKS lại không phê chuẩn vì cho rằng đã “hình sự hóa quan hệ dân sự”.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an, từ năm 2010 đến nay cả nước đã xảy ra trên 100 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến vay, huy động vốn với lãi suất cao do người dân tự huy động với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 4.500 tỷ đồng. Nhiều vụ vỡ nợ lớn, số tiền vay nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm cho hàng trăm gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, khốn cùng, bị cầm cố hết tài sản, ruộng vườn, thậm chí tay trắng. Đáng chú ý, tại 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ đã xảy ra 18 vụ gây thiệt hại gần 2 ngàn tỷ đồng.

Phương thức của hoạt động tín dụng “đen” không mới nhưng ở thời điểm nào nó cũng được đánh giá là hết sức tinh vi phức tạp và đặc biệt là vượt ra ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây là nghề sinh lời rất nhanh nên mọi giao dịch chỉ là thỏa thuận ngầm không qua chính quyền địa phương. Chính vì dựa trên cơ sở là các thỏa thuận ngầm nên việc vay mượn không thể hiện bằng văn bản, thường cho vay theo kiểu tín chấp, không có tài sản cầm cố.

Đánh trúng vào tâm lý hám lời của mt bộ phận người dân mà đa số những người vay tiền đều tự tạo cho mình một vỏ bọc sang trọng, giàu có để tạo niềm tin, nhằm huy động vốn theo kiểu để “làm ăn kinh doanh”. Song thực chất nhiều đối tượng sử dụng tiền vay được để quay vòng trả cho người khác, một số lại đem ra tiêu xài cá nhân, số khác không thể hoàn nợ nên bỏ trốn. Vì không có tài sản cầm cố, thế chấp nên khi đối tượng bỏ trốn, việc thu hồi tài sản gần như bằng không. Đó là chưa nói đến một số đối tượng trước khi bỏ trốn đã kịp chuyển nhượng tài sản cho người khác, hoặc chuyển tiền ra nước ngoài…

Tín dụng tư nhân: Đang bị buông lỏng

Theo nhận định của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, các vụ vỡ nợ liên hoàn xảy ra trong thời gian qua là hệ quả của một thời gian dài công tác quản lý hoạt động tín dụng tư nhân bị buông lỏng. Do tính chất linh hoạt của loại hình cho vay này không cần nhiều thủ tục, không cần khai báo mục đích vay, thậm chí không cần thế chấp, chỉ cần 1 tờ giấy ghi nợ, những đối tượng huy động vốn đánh đúng vào lòng tham từ việc được trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng (có trường hợp lãi suất đến 30%/tháng). Vì vậy nhiều người mang tài sản của bản thân, gia đình đến ngân hàng thế chấp vay vốn sau đó cho vay lại với lãi suất cao hơn trong khi người vay vốn lại không có tài sản gì đảm bảo cho việc trả nợ.

Hơn nữa, hiện nay, trong lĩnh vực quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chưa có chế tài xử lý mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cầm cố tài sản, cho vay nặng lãi nhằm phòng ngừa ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Bên cạnh đó, việc cấp giấy đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch Đầu tư ở nhiều địa phương còn thiếu chặt chẽ, không kiểm tra năng lực tài chính, quy mô sản xuất, doanh thu của doanh nghiệp dẫn đến đối tượng lợi dụng giấy tờ kinh doanh để huy động vốn tràn lan nhằm mục đích lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng đổ vỡ tín dụng “đen” hàng loạt không thể không kể đến đó là nhận thức về pháp luật của nhiều người dân còn rất hạn chế, tâm lý hám lời khá phổ biến, công tác tuyên truyền pháp luật chưa được quan tâm đúng mức.

Điều đáng lưu ý hơn, là hiện nay các vụ việc liên quan đến tội phạm tín dụng đen đặc biệt khó xử lý do những quy định hiện hành của pháp luật. Vì thế trong không ít vụ việc, chính bản thân các cơ quan tố tụng cũng có những quan điểm trái chiều. Một bên muốn làm mạnh còn bên kia lại cho rằng đang “hình sự hóa quan hệ dân sự”. Sự chùng chình, thiếu dứt khoát của cơ quan bảo vệ pháp luật cũng là nguyên nhân khiến nhiều vụ mang hơi hướng của loại tội phạm này thoát khỏi vòng tố tụng và hậu quả cuối cùng là người dân lãnh đủ khi tiền không thu về được một đồng trong khi các đối tượng ung dung ôm tiền bỏ trốn…

Theo: dantri.com.vn

0 nhận xét: