Thận trọng cho vay thế chấp hàng hóa

Cho vay cầm cố thế chấp hàng hóa đã trở thành một vấn đề nóng, khi năm vừa qua nhiều doanh nghiệp (DN) cầm cố hàng hóa tại nhiều NH để vay vốn dẫn đến tranh chấp giữa các NH, nên các NHTM đang thận trọng hơn.

Năm 2013, nhiều vụ vỡ nợ tại các DN vay cầm cố, thế chấp hàng hóa cho NH như một hồi chuông báo động đối với các NH khi cho vay hình thức này. Đơn cử như CTCP Inox Việt Mỹ (Hà Nội) dùng toàn bộ hàng hóa là inox thế chấp để vay hơn 200 tỷ đồng của các NH.

Khi công ty này không có khả năng trả nợ, các NH đến đòi nợ mới biết có 6 NH đã nhận thế chấp cùng một kho hàng. Hay vụ việc nổi cộm nhất là Công ty TNHH Trường Ngân thế chấp kho hàng tại Bình Dương để vay 600 tỷ đồng từ 7 NH trong khi giá trị hàng hóa trong kho chỉ có 100 tỷ đồng, khiến các NH phải tranh nhau quyền kiểm soát kho cà phê của DN này.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, việc thế chấp hàng hóa vay vốn rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, để được cấp vốn vay, DN phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Thứ nhất, khả năng minh bạch của kho hàng như thế nào.

Thứ hai, DN phải cam kết chịu trách nhiệm về sự chính xác và đầy đủ đối với số lượng hàng hóa tại kho hàng. Thứ ba, NH phải quản lý chặt chẽ, kiểm soát được số lượng hàng hóa thế chấp vay vốn, hiểu được hàng hóa, quá trình xuất kho nhập kho cũng như chất lượng hàng hóa như thế nào để xác định nếu DN thua lỗ, lượng hàng hóa trong kho có đảm bảo được nợ vay hay không.

Chỉ khi nào DN đáp ứng được những yêu cầu này, NH mới tiến hành giải ngân. Còn ở nước ta, sở dĩ xảy ra tình trạng DN thế chấp một kho hàng tại nhiều NH vì các NH quản lý lỏng lẻo trong thủ tục cho vay, kiểm tra tài sản thế chấp, chất lượng tài sản thế chấp và DN không minh bạch thông tin của mình.

Điều này vô hình chung tạo điều kiện dễ thông đồng giữa cán bộ NH và DN, dẫn đến có những khoản cho vay thế chấp hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn xảy ra. Đây cũng là cơ sở để làm tăng nợ xấu, nợ khó đòi.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cũng cho rằng các NH vướng phải tình trạng trên bởi sự thiếu chặt chẽ trong các khâu lựa chọn khách hàng cũng như biện pháp quản lý lỏng lẻo.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng không nên vì vậy mà NH hạn chế cho vay thế chấp hàng hóa đối với DN. Bởi nếu không cho vay hình thức này, sẽ có đến 70% tín dụng bị nghẽn, hoạt động sản xuất kinh doanh không phát triển được.

Vì vậy NH cần phải sáng suốt, có biện pháp quản lý hàng hóa tốt, đảm bảo giá trị hàng hóa, có cam kết pháp lý ràng buộc, có nơi gửi gắm hàng hóa an toàn. Lâu nay nhiều NH cho khách hàng để tại kho của họ, đây là một biện pháp tương đối lỏng lẻo, NH nên đề nghị DN gửi ở một kho thứ ba.



Theo Baomoi.com

0 nhận xét: