Vốn rẻ đang kích thị trường

Cho phép thế chấp “nhà trên giấy”; vốn rẻ ngân hàng tạo sóng nhà đất; căn hộ cao cấp đang chuyển mình; nhà thu nhập thấp Đặng Xá, Kiến Hưng mới chuyển về đã xuống cấp; di tích Phu Văn Lâu bị mối gặm sập; VNCB công bố gói tín dụng ưu đãi lãi suất 10.000 tỷ đồng cho vay sửa chữa nhà tới 10.000 tỷ đồng là những câu chuyện nóng trên mặt các báo. Một góc nhìn của nhà báo Hương Giang về thị trường địa ốc tuần qua.

Vốn rẻ đang kích thị trường

1.Câu chuyện thứ nhất là việc chính thức hóa quy định cho vay thế chấp với bất động sản “trên giấy” từ ngày 16/6/2014.
Cụ thể, tại Thông tư liên tịch của Liên bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại tất cả các phân khúc nhà chung cư, biệt thự, liền kề, người mua nhà đều có thể thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai để vay tiền ngân hàng, với điều kiện khách hàng đã có hợp đồng mua nhà ký với chủ đầu tư và dự án đó là hợp pháp (có thiết kế kỹ thuật được phê duyệt), xây xong móng và không bị kê biên thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước.

Với phân khúc nhà ở xã hội, điều kiện cho vay thế chấp còn thoáng hơn: chỉ cần căn hộ được thế chấp thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cấp giấy chứng nhận hoặc đã có quyết định giao đất.

Ngay sau khi Thông tư này được ban hành, đã xuất hiện những lo ngại rằng, việc cho phép thế chấp nhà hình thành trong tương lai có thể làm nảy sinh rủi ro cho phía ngân hàng, bởi thực tế không ít dự án bất động sản hiện nay đã được chủ đầu tư “cầm cố”, thế chấp với ngân hàng khi vay vốn để thực hiện. Rất có thể một sản phẩm bất động sản sẽ được thế chấp 2 lần tại cùng một ngân hàng hoặc ngân hàng khác, dẫn tới rắc rối có thể nảy sinh nếu một trong 2 bên không trả được nợ đúng hạn cho ngân hàng. (Từ 16/6: Cho phép thế chấp nhà trên giấy, VNEconomy, 16/5).

Lo ngại không phải không có lý, giai đoạn thị trường lao dốc vừa qua, đã có không ít vụ tranh chấp xung quanh câu chuyện thế chấp trùng dự án, khi cả người mua và người bán đều thế chấp để vay vốn ngân hàng.

2. Câu chuyện thứ hai cũng liên quan đến cho vay mua nhà đất, nhưng là ở khía cạnh tác động đến thị trường.

Chỉ cần 600 - 700 triệu đồng, người ta đã có thể dọn đồ vào ở ngay trong một căn hộ giá 2 tỷ; hay chỉ cần trả góp chưa tới 3 triệu đồng/tháng trong năm đầu tiên cũng có nơi ở…, những ưu đãi tưởng như không tưởng trong giai đoạn thị trường địa ốc đang hưng phấn. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng hợp tác với các ngân hàng để cho khách vay tới 70%, lãi suất ưu đãi (có nơi xuống còn 3-7%/năm).

Không chỉ cạnh tranh sát ván về lãi suất, các ngân hàng cũng đua nhau tung nhiều chiêu hấp dẫn khách hàng như chia nhỏ lộ trình thanh toán, ân hạn trả vốn vay năm đầu, cho vay lai suat thap chỉ từ 3-7%/năm trong 1-3 năm tiếp theo, có thể vay trong thời hạn từ 15-20 năm... Những chính sách thanh toán, lãi suất hấp dẫn này đang khiến nhiều người quyết định mua nhà.

Riêng tại Techcombank, tính đến đầu tháng 4/2014, cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất trong các sản phẩm tín dụng cá nhân. Tỷ trọng giải ngân cho mảng này cũng chiếm đến 47% tổng số dư giải ngân toàn ngân hàng, mỗi tháng dư nợ giải ngân mới khoảng 600 tỷ. (Vốn rẻ ngân hàng tạo sóng nhà đất  VEF, 16/05).

Tất nhiên, cho vay bất động sản là bài toán kinh doanh của các ngân hàng, bí đầu ra khu vực khách hàng doanh nghiệp, thì phải bung ra ở khu vực khác - khách hàng cá nhân, trong đó có cho vay mua nhà ở, để tránh ứ vốn. Nhưng nợ xấu, hệ lụy cho vay bất động sản ồ ạt vào thị trường bất động sản giai đoạn trước đến nay vẫn còn chưa giải quyết được.

Theo TNCK

0 nhận xét: